Hồi xưa mới đi vùng cao, tôi thấy nhiều hoa tam giác mạch lắm. Những rẻo cao Hà Giang từ bên Su Phì, Xín Mần phía Tây lên tới vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, màu hồng trắng của tam giác mạch phủ kín nương vào độ tháng 4 hay tháng 10.
Qua thời gian, diện tích trồng tam giác mạch ít hẳn. Bây giờ mà muốn chụp được nương tam giác mạch bạt ngàn phải chui thật sâu vào Xín Mần hay vào tận những chỗ khuất đường như Lao Sa, Phố Là của Đồng Văn.
Đơn giản, tam giác mạch với tôi là loại hoa của người nghèo. Người ta trồng cho khỏi trống đất giữa 2 vụ ngô- rau cải để có thêm ít lương thực dự trữ. Tam giác mạch hay còn gọi là kiều mạch là một loại thực phẩm chứa tinh bột. Bên trong những bông hoa hồng, trắng xinh đẹp mà chúng ta hay nhìn thấy là những hạt có hình tứ diện, do vậy nó mới có tên là tam giác mạch chăng? Người ta dùng nó để nấu cháo, trộn với ngô, hấp lên ăn hay nấu rượu. Thân và lá cây thì dùng làm thức ăn cho bò, dê. Năng suất trồng loại cây này không cao, nên dần dần những gia đình khấm khá hơn chút thì họ không trồng nữa. Nhà nào nghèo lắm mới trồng.
Đám chụp ảnh như tôi hay các bạn trẻ đi du lịch, khám phá bây giờ ít thấy được những nương tam giác mạch bạt ngàn nở rộ dọc triền núi đá tai mèo xanh đen ven đường để mà nhìn ngắm thoả thích hay ghi nhận vào máy ảnh một trong những cảnh đẹp nhất của núi rừng nữa. Nhưng bù lại, với tôi, tôi thấy vui hơn vì đời sống của bà con vùng cao đã bắt đầu khởi sắc.